Nhân Ái – Đón đầu xu thế chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi
Theo báo cáo kết quả của Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009, cả nước có khoảng 7,5 triệu NCT, chiếm 9% dân số, trong đó: Người từ 60 – 69 tuổi là 3,49 triệu, chiếm 4,06% dân số; người từ 70 – 79 tuổi là 2,61 triệu, chiếm 3,04% dân số; Người từ 80 tuổi trở lên là 1,35 triệu, trong đó có 5.0799 người từ 95 tuổi trở lên.
Riêng tại thành phố Hà Nội, cũng theo báo cáo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, toàn thành phố có khoảng 634.000 NCT, chiếm 9,8% dân số thành phố trong đó tỷ lệ NCT ở độ tuổi 60-69 (4,87%), 70-79 (3,32%) và từ 80 tuổi trở lên (1,64%). So với Điều tra năm 1999, do tỷ lệ NCT tăng trong khi tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm, “chỉ số già hóa” của dân số Việt Nam tăng 11% từ 24,5% lên 35,9% trong 10 năm. Chỉ số già hóa của nước ta hiện nay cao hơn mức trung bình ở Đông Nam Á (30%), tương đương Philippines và Indonesia nhưng thấp hơn Singapore (85%) và Thái Lan (52%). Như vậy cơ cấu dân số Việt Nam đang thuộc “Cơ cấu dân số vàng” nhưng theo dự đoán sẽ chuyển sang giai đoạn “cơ cấu dân số già”.
Tỷ lệ NCT được dự báo sẽ bắt đầu tăng nhanh từ năm 2010 và sẽ đạt tới 16,8% vào năm 2029. Theo báo cáo của Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2010, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72,8 tuổi, nhưng tuổi thọ trung bình của những người mạnh khỏe chỉ đạt 66 tuổi, nghĩa là số năm ốm đau trung bình của người dân Việt Nam là 6,8 năm xếp vào hạng thứ 116 trên 182 quốc gia toàn cầu.
Đánh giá gần đây của Hội người cao tuổi Việt Nam cho thấy thực trạng của NCT và công tác NCT nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức:
Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận NCT, nhất là NCT sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vẫn còn 1/3 số người thuộc diện nghèo và cận nghèo, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn; số người bị bệnh tật còn cao, đi lại khó khăn nên chưa tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản; hiện còn 80.000 người đang phải ở nhà tạm và nhiều người chưa đủ ấm vào mùa đông; tỷ lệ NCT có sức khỏe kém chiếm khoảng 23%, có sức khỏe tốt khoảng 5 – 7%; nhìn chung đời sống tinh thần của NCT vẫn còn đơn điệu và có nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT nhất là ở vùng sâu, vùng xa…
Sự chăm sóc y tế đặc biệt giành riêng cho NCT còn rất hạn chế. Số liệu điều tra do Viện Lão khoa Quốc gia tiến hành thông qua khảo sát các sở y tế trong toàn quốc năm 2006 cho thấy: số tỉnh có bệnh viện có chuyên khoa Lão khoa mới chiếm 22,4% với nguồn nhân lực gồm 139 bác sĩ, nghiên cứu viên và 237 điều dưỡng viên. Cả nước mới có 5 cơ sở chuyên chăm sóc y tế lâu dài cho NCT, hơn một nửa số tỉnh có cơ sở lưu dung ( trung tâm xã hội thuộc Bộ LĐ-TB-XH). Theo báo cáo sơ bộ của điều tra này thì cả nước mới có 2 bộ môn Lão khoa, số lượng các hình thức đào tạo chuyên đề, ngắn hạn, các công trình nghiên cứu cũng như các ấn phẩm chuyên ngành hầu như còn rất ít. Chăm sóc NCT là lĩnh vực liên ngành, nhưng hiểu biết của nhân viên y tế về các khía cạnh chính sách, chương trình và sự phối hợp giữa các cơ cấu tổ chức y tế và xã hội là còn hạn chế.
Theo Hội người cao tuổi Việt Nam, sở dĩ còn những hạn chế trên là do Nhà nước chưa có chiến lược quốc gia về già hoá dân số trong khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số ngày một tăng và đã bước vào giai đoạn dân số già; Nhà nước chưa thiết lập được những dịch vụ đối với NCT… Công tác xã hội hoá chăm sóc NCT đã có mô hình nhưng chưa có cơ chế, chính sách của Nhà nước để phát huy và nhân rộng.
Ở các nước phát triển các dự án khu vực dưỡng lão được Chính phủ khuyến khích đầu tư (bằng các chính sách thuế, nhập cư, đất đai, chuyển lợi nhuận….). Hiện tại, các dự án khu vực dưỡng lão ở Mỹ có doanh thu trên 25 tỷ đô la hàng năm và chứng minh tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai vì số lượng người cao tuổi từ 65 trở lên ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030.
Hai thập kỷ qua, tại Việt Nam nhiều mô hình cơ sở chăm sóc NCT đã ra đời. Một số mô hình tư nhân nuôi dưỡng NCT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bước đầu hoạt động có hiệu quả và khẳng định hướng phát triển phù hợp. Ví dụ: Trung tâm chăm sóc NCT- Minh Khai, huyện Từ Liêm TP Hà Nội: Trung tâm dưỡng lão Chánh Phú Hòa (TP.HCM); Trung tâm Thạnh Lộc (TP HCM ) Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè số 153 Xô Viết Nghệ tĩnh, phường 17, Bình Thạnh. Ngoài ra còn có các mô hình như: Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, đường Âu Dương Lân – Quận 8 – TPHCM; Viện dưỡng lão Diệu Viên – TP Huế; Viện Dưỡng Lão Chùa Tịnh Đức – Thôn Thượng I, xã Thuỷ Xuân, phía Tây bắc TP Huế ….
Tuy nhiên, những mô hình nuôi dưỡng NCT ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được hoàn chỉnh và chưa đủ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giải trí của NCT. Một số mô hình chưa có những tiêu chí đánh giá và hướng dẫn hoạt động. Các cơ sở bảo trợ xã hội đang trong quá trình sắp xếp và tổ chức lại. Mô hình trung tâm tư vấn và chăm sóc NCT tại gia đình, cộng đồng chưa phát triển do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp và công tác chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng chưa lồng ghép tốt với hoạt động của y tế cơ sở. Các viện/Trung tâm dưỡng lão ở Việt Nam chủ yếu đi theo hướng gần giống như Viện điều dưỡng, chăm sóc dịch vụ y tế cho người già, phục vụ các cụ đi lại khó khăn, hay nằm liệt giường, con cháu vì điều kiện hay hoàn cảnh không thể chăm sóc được tại nhà chưa là những Trung tâm dưỡng lão cao cấp đảm bảo tiêu chuẩn chăm sóc toàn diện NCT, trong đó tính cả NCT còn khỏe mạnh. Các trung tâm dưỡng lão này chủ yếu mới dừng ở mức trông nom ( hoặc có tính chất bảo trợ) những người già ốm đau và nhận chăm sóc y tế những người già có nhu cầu tại nhà.
Với dân số Việt Nam gần 87 triệu người, trong đó tỷ lệ người già là khoảng 17% và nhu cầu được chăm sóc ngày càng cao thì các trung tâm dưỡng lão hiện nay hoàn toàn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng trung tâm và dịch vụ. Một trong những nguyên nhân các trung tâm dưỡng lão cao cấp hiện đại chưa phát triển tại Việt Nam trước hết là do tính chất công việc khá lâu dài, mang tính nhân văn. Nếu làm các trung tâm dưỡng lão đủ tiêu chuẩn cao cấp thì cần một lượng vốn lớn, có trung tâm đất đủ rộng không quá xa thành phố, trang thiết bị hiện đại và và đội ngũ nhân lực đạt yêu cầu là điều không dễ dàng. Đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại không nhanh ( dịch vụ có tính chất nhân đạo, nên nếu chỉ đến thu lợi nhuận nhanh thì không nên làm), do đó các nhà đầu tư chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện các dự án về dưỡng lão. Bên cạnh đó, hệ thống đường lối, chính sách, cơ sở pháp lý đảm bảo cho các hoạt động của NCT, khuyến khích sự quan tâm rộng rãi của các tổ chức, cá nhân nhằm xã hội hóa công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam chưa được đồng bộ.
Nhằm góp phần giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe lâu dài cho NCT trên địa bàn TP Hà Nội, Trung tâm chăm sóc NCT Nhân Ái đã ra đời ngày 1/5/2007 với qui mô 60 giường, được trang bị đầy đủ các thiết bị chăm sóc hiện đại và vận hành bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tận tình là các bác sỹ chuyên khoa, y sỹ Đông y, y tá điều dưỡng có kinh nghiêm làm việc trong và ngoài nước. Mô hình hoạt động của Trung tâm là sự kết hợp giữa phương pháp chăm sóc hiện đại và truyền thống để tạo cho NCT một không gian sống sinh hoạt thuận tiện nhưng lại rất ấm áp tình người.
Tôi muốn hỏi cho người cha 87 tuổi, không tự phục vụ được, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc thì TT có nhận không và bao nhiêu tiền 1 tháng?
Cảm ơn chị đã quan tâm đến dịch vụ của Nhân Ái. Để được tư vấn chi tiết, chị có thể liên hệ trực tiếp tổng đài tư vấn: 1900757588 hoặc số điện thoại Ms. Lan Anh (Phụ trách tư vấn): 0989455586.
Nhân Ái rất sẵn lòng đón tiếp các cụ và gia đình đến tham quan tìm hiểu trực tiếp tại địa chỉ: Trung tâm chắm sóc người cao tuổi Nhân Ái, đường Văn Tiến Dũng, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.